Vụ sạt lỡ

Rạng sáng 18.5, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên bờ sông Ông Chưởng khiến 10 căn nhà tại huyện Chợ Mới (An Giang) bị cuốn trôi xuống sông. Chỉ một ngày trước đó, vào lúc 3h sáng 17.5, bờ kênh 30/4 (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) cũng bị sạt lở với chiều ngang 3m, dài 15m. Nguyên nhân được cho là do mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao, gây mất ổn định nền đường. Trước đó không lâu, vào đêm 12.3, khu vực này từng ghi nhận một vụ sạt lở kéo dài 33m do dòng chảy mạnh từ biển Đông gây xâm thực.

Tại TP Cần Thơ, rạng sáng 13.5, tuyến đường ven sông Bằng Tăng (phường Long Hưng, quận Ô Môn) bị sạt lở dài 46m, trong đó 30m đã sụp hoàn toàn, phần còn lại 16m đang rạn nứt, có nguy cơ đổ sập. Mặt đường bị ăn sâu 4 – 5m, hư hỏng nghiêm trọng với độ sâu từ 0,5 đến 2m.

Riêng tại Hậu Giang, trong ngày 7.5, huyện Châu Thành xảy ra 3 vụ sạt lở tại kênh Mái Dầm. Trước đó, ngày 5.5, kênh Bào Bủng cũng ghi nhận sạt lở dài 30m, làm mất khoảng 150m² đất.

Tại tỉnh Cà Mau, ngày 23.4, khu vực cống Bào Tròn (Km7+200, đoạn Đầm Dơi – Cái Nước) xuất hiện tình trạng rạn nứt, sụt lún hơn nửa mặt đường về phía sông, không đảm bảo an toàn cho xe ô tô lưu thông.

Còn ở Sóc Trăng, theo Phòng NN&MT huyện Cù Lao Dung, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 350m tại các xã An Thạnh Đông và Đại Ân 1, trong đó có 4 điểm nghiêm trọng kéo dài trên 250m.

Ứng phó khẩn trương nhưng khó triệt để

Trước thực trạng sạt lở lan rộng, chính quyền các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó. Tại “điểm nóng” Ô Môn (Cần Thơ), từ ngày 3.4, thành phố đã khởi công công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại phường Thới An, dài 650m, với tổng vốn đầu tư khoảng 130 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Ngoài ra, công trình kè kênh Cái Sắn dài 950m (tổng vốn 100 tỉ đồng) cũng đang được thi công từ tháng 10.2024, dự kiến hoàn thành trong 12 tháng.

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Đắc – Trưởng phòng NN&MT huyện Cù Lao Dung – cho biết sạt lở có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ vốn Trung ương để triển khai Dự án nâng cấp đê cửa sông tả, hữu Cù Lao Dung trong giai đoạn 2026 – 2030, với tổng vốn dự kiến 450 tỉ đồng.

Theo thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trong mùa khô 2023 – 2024, ĐBSCL ghi nhận 2.059 điểm sụt lún (tổng chiều dài khoảng 51km đê và đường nông thôn), 686 điểm sạt lở bờ sông (591,3km) và 57 điểm sạt lở bờ biển (203,2km).

Ông Lê Thanh Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai – cảnh báo rằng bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL đang biến động mạnh về địa hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và môi trường khu vực. “Ông Chương nhấn mạnh, về lâu dài cần hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý bờ sông, bờ biển, đặc biệt là thiết lập và thực thi hành lang bảo vệ bờ, quy định khoảng lùi hợp lý trong xây dựng hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *